Top 6 bệnh lý thường gặp ở tử cung

Bệnh lý tử cung, cổ tử cung

Tử cung là một cấu trúc hình quả lê lộn ngược trong khung chậu nằm phía sau bàng quang và phía trước trực tràng, cùng với âm đạo, buồng trứng và ống dẫn trứng tạo nên hệ thống sinh sản của phụ nữ. Trong tất cả các bệnh lý phụ khoa, bệnh ở tử cung thường gây hậu quả nặng nề nhất bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản và sức khỏe của người bệnh.

Tử cung là gì?

Tử cung còn gọi là dạ con, là một cơ quan trong hệ thống cơ quan sinh sản ở nữ giới, có hình dạng như quả lê lộn ngược. Bình thường tử cung dài khoảng 6-8cm, độ dày khoảng 2-3cm, chiều rộng khoảng 4-5cm. Đây là cơ quan quan trọng trong hệ thống cơ quan sinh sản của phụ nữ. Tử cung không chỉ là nơi trứng thụ tinh và làm tổ, nuôi dưỡng thai nhi trong suốt 40 tuần thai kỳ mà còn có nhiều vai trò quan trọng với sức khỏe phụ nữ.

Tử cung nằm ở vị trí nào trong cơ thể người phụ nữ?

Nhiều chị em thắc mắc rằng tử cung nằm ở đâu trong cơ thể. Bác sĩ Mai Ngân cho biết, tử cung nằm giữa xương chậu, phía sau bàng quang và phía trước trực tràng, được nối với âm đạo bởi cổ tử cung. Vị trí của có thể thay đổi trong suốt cuộc đời người phụ nữ, nhất là khi mang thai.

Cấu tạo của tử cung

Tử cung được cấu tạo gồm các bộ phận như sau:

Đáy tử cung

Là phần trên cùng của tử cung, có hình dạng cong và khá rộng. Đáy tử cung có sừng ở hai bên, và là nơi vòi trứng thông với tử cung.

Thân tử cung

Là phần chính của tử cung có cấu tạo gồm 3 lớp cơ là cơ dọc, cơ vòng và cơ đan chéo. Mỗi lớp cơ sẽ có vai trò khác nhau, trong đó, cơ đan chéo, có chức năng co bóp và cầm máu sau khi nhau thai bong ra trong quá trình sinh con.

Bên trong lòng tử cung có một lớp màng nhầy được gọi là nội mạc tử cung. Độ dày của lớp nội mạc này sẽ thay đổi theo biến đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt. Bình thường trứng sau khi thụ tinh sẽ bám vào lớp nội mạc này và dần phát triển thành phôi thai. Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, lớp nội mạc sẽ bong ra và được đưa ra ngoài cơ thể dưới hình thức hành kinh.

Eo cổ tử cung

Là phần tiếp nối giữa tử cung và cổ tử cung nên khá hẹp.

Cổ tử cung

Là phần nằm thấp nhất của tử cung và kết nối với âm đạo. Trong lòng cổ tử cung có một lớp dịch nhầy mịn, giúp tinh trùng dễ dàng di chuyển vào trong lòng tử cung để gặp trứng và thụ tinh.

Cổ tử cung có cấu tạo gồm 3 phần là lỗ trong, lòng ống và lỗ ngoài. Trong đó:

  • Lỗ trong: Là phần bên trong của cổ tử cung dẫn đến tử cung.
  • Lòng ống: Ống có dạng hình trụ nối tử cung với âm đạo.
  • Lỗ ngoài: Là phần thấp nhất của cổ tử cung, nối cổ tử cung với âm đạo.

Vai trò của tử cung

Được gọi là cơ quan quan trọng nhất trong hệ thống cơ quan sinh sản nữ giới, bởi chúng giữ nhiều vai trò. Cụ thể là:

  • Hỗ trợ lưu lượng máu chảy đến buồng trứng.
  • Hỗ trợ các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể như âm đạo, trực tràng và bàng quang.
  • Kích hoạt các cơn cực khoái trong quan hệ tình dục.
  • Đặc biệt, trong thai kỳ tử cung còn giữ nhiều vai trò quan trọng khác:
  • Đón nhận và giữ trứng đã thụ tinh di chuyển về làm tổ.
  • Nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ, từ một phôi thai bé xíu đến thai nhi to lớn, khỏe mạnh và được đưa ra ngoài.
  • Tăng dần kích thước theo sự phát triển của thai để thai nhi có nhiều không gian phát triển.

Kích thước của tử cung

Mỗi người phụ nữ sẽ có kích thước tử cung khác nhau, không ai giống ai. Tuy nhiên sẽ có một giới hạn gọi là tử cung bình thường như sau.

Khi mới sinh ra, kích thước tử cung ở bé gái rất nhỏ chỉ khoảng một quả trứng gà. Đến độ tuổi sinh nở, khi chưa mang thai, tử cung của chị em sẽ lớn hơn nhưng không to hơn một trái lê. Thông thường là rộng khoảng 4-5cm, dài khoảng 6-8cm và dày khoảng 2-3cm. Phụ nữ chưa từng mang thai sẽ có tử cung nhỏ hơn so với người đã từng mang thai.

Các bệnh lý tử cung phổ biến

Bệnh sa tử cung

Sa tử cung xảy ra khi các cơ và dây chằng giữ tử cung tại chỗ trở nên yếu đi, khiến cho tử cung sa xuống gần bàng quang. Nhiều phụ nữ bị sa tử cung nhẹ đến trung bình khi họ già đi. Các triệu chứng phổ biến nhất là bí tiểu và rò rỉ nước tiểu, nghiêm trọng có thể gây đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục.

Sa tử cung có thể bắt gặp ở bất cứ người phụ nữ nào, tuy nhiên bệnh này thường gặp ở những đối tượng sau:

  • Phụ nữ sau sinh, đặc biệt đối với những người sinh con bằng đường âm đạo, thai nhi lớn hoặc thời gian chuyển dạ quá nhiều.
  • Phụ nữ sau khi sinh mà không kiêng cữ, phải vận động nhiều, khiến đáy bụng phải co bóp quá nhiều, gây ra tổn thương và dẫn tới sa tử cung.
  • Phụ nữ tiền mãn kinh, phụ nữ đã lớn tuổi.

Sa tử cung không gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng có thể có một số các biến chứng kèm theo như:

  • Loét âm đạo: Xảy ra khi người bệnh mắc bệnh ở mức độ cao nhất. Lúc này, tử cung sa xuống kéo theo một phần của lớp lót âm đạo nhô ra bên ngoài âm đạo, gây lở loét âm đạo, nhiễm trùng.
  • Sa cơ quan khác vùng chậu: Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ có thể gặp phải tình trạng sa các cơ quan khác ở vùng chậu (trực tràng, bàng quang) gây ra khó khăn trong việc bài tiết, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung

Đây là căn bệnh lành tính nhưng cũng là khởi nguồn của một số bệnh phụ khoa nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Bệnh khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thời kỳ buồng trứng hoạt động mạnh.

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm lộ tuyến cổ tử cung là do viêm hoặc sang chấn như: rách cổ tử cung, nạo hút thai nhiều lần làm hủy hoại các lớp mô bên trong cổ tử cung. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện khí hư, cảm giác đau vùng âm hộ và tăng lên khi đi lại.

Bệnh lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô bình thường phát triển trong tử cung lại phát triển bất thường ngoài tử cung, gây lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung thường xảy ra ở buồng trứng, ống dẫn trứng, ruột, hoặc vị trí trước, sau và bên mặt tử cung.

Có trường hợp lạc nội mạc tử cung hầu như không có triệu chứng, nhưng cũng có trường hợp bị đau, xuất hiện u nang hoặc khó mang thai. Triệu chứng chủ yếu của lạc nội mạc tử cung là đau vùng chậu, thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Biến chứng chính của lạc nội mạc tử cung là suy giảm khả năng sinh sản. Các bác sĩ thường khuyên những người bị lạc nội mạc tử cung không nên trì hoãn việc có con vì tình trạng có thể xấu đi theo thời gian.

Bệnh polyp tử cung

Polyp cổ tử cung là khối u lành tính phát triển từ mô đệm cổ tử cung và được che phủ bởi biểu mô, xuất phát từ ống cổ tử cung, có chân hoặc không có chân, kích thước có thể thay đổi từ vài mm đến vài cm, thường gặp ở phụ nữ sinh đẻ nhiều lần. Người bệnh có polyp cổ tử cung thường không có triệu chứng nhưng cũng có thể ra khí hư nhiều, rong huyết, ra máu sau giao hợp. Polyp tử cung thường lành tính, nhưng khoảng 1% các ca có chuyển dạng ác tính.

Nguyên nhân gây ra polyp cổ tử cung tuy chưa được làm rõ nhưng sự gia tăng quá mức estrogen được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới polyp cổ tử cung.

Polyp cổ tử cung gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản nữ giới: Nếu polyp nhỏ sẽ cản trở tinh trùng gặp trứng, còn nếu polyp phát triển lớn hơn có thể gây tắc cổ tử cung, bịt kín cổ tử cung gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Khi bị polyp cổ tử cung, khả năng thụ thai của người phụ nữ sẽ bị giảm đi đáng kể.

Bệnh u xơ tử cung

U xơ tử cung là là bệnh lý phụ khoa phổ biến ở mọi độ tuổi, nhất là phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ, đang mang thai hoặc mãn kinh. U xơ tử cung là khối u lành tính của tế bào cơ trơn tử cung. Tùy theo vị trí khối u xơ có thể chia thành: Dưới thanh mạc, trong cơ tử cung, dưới niêm mạc, có thể ở cổ tử cung hoặc trong dây chằng rộng. U xơ tử cung không liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư tử cung và hầu như không bao giờ phát triển thành ung thư.

Hầu hết chị em không biết họ bị u xơ tử cung vì bệnh thường không gây ra triệu chứng nào. Bác sĩ có thể phát hiện ra u xơ trong một cuộc kiểm tra vùng chậu hoặc siêu âm trước khi sinh. Ở những phụ nữ có triệu chứng, phổ biến nhất của bệnh bao gồm: Chảy máu kinh nguyệt nặng, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn một tuần, đau vùng chậu, đi tiểu nhiều lần, táo bón, đau lưng, đau chân… Ngoài ra, u xơ tử cung còn gây giảm hồng cầu (thiếu máu), mệt mỏi, mất máu nặng, tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ.

Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một khối u ác tính trong các mô của cổ tử cung. Hai loại bệnh ung thư cổ tử cung chính là: Ung thư tế bào vảy, ung thư tuyến. Các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, nhiễm virus HPV là một trong những nguyên nhân làm tổn hại các tế bào của cổ tử cung và làm bệnh ung thư dễ phát triển hơn.

Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh bao gồm: chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh; chảy máu sau khi quan hệ tình dục; đau trong lúc quan hệ tình dục; âm đạo tiết dịch bất thường; âm đạo chảy máu sau khi mãn kinh; mệt mỏi quá độ; đau hoặc sưng chân; đau lưng dưới.

Tất cả các triệu chứng này xuất hiện ở nhiều chứng bệnh và có thể không đồng nghĩa với việc bạn mắc bệnh ung thư cổ tử cung, nhưng, nếu bạn có những triệu chứng này, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra. Hầu hết các biến đổi bất thường nhất trong các tế bào cổ tử cung được phát hiện bởi phép xét nghiệm phết (Pap test). Một người phụ nữ nên xét nghiệm phết hai năm một lần.